(TVPL) - Thông tư 64/2013/TT-BTC đã có hiệu lực từ ngày 01/7, tức gần 2 tháng, nhưng nhiều tổ chức cá nhân vẫn chưa nắm được những quy định mới của Thông tư này so với quy định cũ tại Thông tư 153/2010/TT-BTC
Tổng hợp lại một số quy định mới của Thông tư 64 này dựa trên hướng dẫn từ các cục Thuế để bạn đọc tiện theo dõi và áp dụng các quy định về hóa đơn hàng hóa, dịch vụ như sau:
1. Về hóa đơn tự in
Đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự in hóa đơn hoặc mua của cơ quan thuế.
Ngân hàng, tổ chức tín dụng sử dụng chứng từ giao dịch kiêm hóa đơn dịch vụ thu phí tự in phải gửi thông báo phát hành kèm hóa đơn mẫu tới cơ quan thuế, không phải đăng ký trước số lượng phát hành.
2. Hóa đơn đối với với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu
Điểm mới quy định tại tiết c khoản 1 Điều 4 Thông tư 64 (mà Thông tư số 153/2010/TT-BTC trước đây không nêu) quy định về nội dung trên hoá đơn đã lập đối với các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan có thẩm quyền thì tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan có thẩm quyền tạo, phát hành hoá đơn có từ 3 liên trở lên, trong đó giao cho người mua 2 liên: liên 2 “giao cho người mua” và một liên dùng để đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật.
Các loại hàng hoá cần phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu thì phải ghi trên hoá đơn các loại số hiệu, ký hiệu đặc trưng của hàng hoá mà khi đăng ký pháp luật có yêu cầu. Ví dụ: số khung, số máy của ô tô, mô tô; địa chỉ, cấp nhà, chiều dài, chiều rộng, số tầng của ngôi nhà hoặc căn hộ…
Phải giao cho người mua 2 liên hóa đơn: 1 liên dùng để đăng ký quyền sở hữu, 1 liên dùng để hạch toán kế toán.
3. Quy định về đối tượng được tạo hoá đơn:
Theo quy định mới tại tiết a khoản 1 Điều 6 Thông tư 64 quy định:
Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ từ một (01) tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hóa đơn. (Quy định cũ tại Thông tư 153 thì Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ từ năm (05) tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hóa đơn).
Tại tiết b khoản 1 Điều 6 Thông tư 64 quy định mới nâng mức không bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế mà tổng số tiền vi phạm pháp luật về thuế dưới 50 triệu đồng (Thông tư 153 quy định là dưới 20 triệu đồng)
4. Quy định về phát hành hoá đơn.
Tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 64 bổ sung quy định về nội dung thông báo phát hành hoá đơn (Thông tư 153 chỉ quy định đối với trường hợp khi có sự thay đổi địa chỉ kinh doanh) như sau:
Bổ sung nội dung: tên và mã số thuế của tổ chức cung ứng phần mềm tự in hoá đơn (đối với hoá đơn tự in), tên và mã số thuế của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử (đối với hoá đơn điện tử).
...
Đối với các số hoá đơn đã đặt in nhưng chưa sử dụng hết có in sẵn tên, địa chỉ trên tờ hoá đơn, khi có sự thay đổi tên, địa chỉ nhưng không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nếu tổ chức, hộ và cá nhân kinh doanh vẫn có nhu cầu sử dụng hoá đơn đã đặt in thì thực hiện đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hoá đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
5. Quy định về lập hoá đơn đối với các siêu thị, trung tâm thương mại.
Điểm mới tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 64 (Thông tư số 153 chưa quy định) có nêu:
Các siêu thị, trung tâm thương mại thành lập theo quy định của pháp luật được lập chung một (01) hóa đơn GTGT cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày (không phân biệt tổng giá trị thanh toán trên 200.000 đồng hay dưới 200.000 đồng). Chỉ tiêu người mua trên hoá đơn ghi rõ là khách hàng mua lẻ không lấy hoá đơn.
Trường hợp khách hàng mua hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại (không phân biệt tổng giá trị thanh toán trên 200.000 đồng hay dưới 200.000 đồng) có yêu cầu xuất hóa đơn, các siêu thị, trung tâm thương mại phải lập hóa đơn GTGT cho từng khách hàng theo quy định.
Các siêu thị, trung tâm thương mại phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của số liệu về hàng bán ra với doanh số lập hoá đơn và hàng tồn kho. Dữ liệu bán hàng phải đảm bảo lưu trữ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác.
6. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hoá đơn:
Theo quy định tại tiết c khoản 2 Điều 14 Thông tư 64 hướng dẫn chi tiết cách lập một số tiêu thức rõ hơn Thông tư 153 như Tiêu thức “Số thứ tự, tên hàng hóa, dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thành tiền”: ghi theo thứ tự tên hàng hóa, dịch vụ bán ra; gạch chéo phần bỏ trống (nếu có).
Quy định về gạch chéo hóa đơn
Tại tiết b khoản 1 Điều 14 Thông tư 64 quy định rõ hơn đối với trường hợp hoá đơn tự in hoặc hoá đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hoá đơn thì phải gạch chéo bằng bút mực, loại mực không phai, không được sử dụng mực đỏ để gạch.
Năm in hóa đơn:
Đối với hóa đơn đặt in, 2 chữ số cuối của năm là năm in hóa đơn đặt in. Ví dụ: đặt in hóa đơn vào năm 2013 thì ký hiệu là AA/13P.